Không nên ngồi lâu một chỗ, không đi giày cao gót, biết cách thay đổi tư thế và mang tất y khoa.
Suy giãn tĩnh mạch chân là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân. Từ đó, dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại sẽ gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh. Bệnh gây nhức mỏi, nặng chân, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, chuột rút về ban đêm… có thể dẫn đến các biến chứng khó chữa như chàm da, chảy máu…
Tư thế sinh hoạt hay làm việc phải đứng hay ngồi một chỗ lâu, ít vận động, phải mang vác nặng… tạo điều kiện cho máu bị dồn xuống hai chân, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân, lâu ngày sẽ gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều. Khi các van này bị suy yếu sẽ giảm khả năng ngăn chặn luồng máu chảy ngược xuống dưới do tác dụng của trọng lực, dẫn đến ứ máu ở hai chân.
Để ngăn chặn tiến triển của bệnh, bệnh nhân cần để chân cao khi nằm nghỉ, tránh đứng hay ngồi lâu, mang tất thun hay quấn chân bằng băng thun, sửa lại vị trí bàn chân đối với các dị tật, tập hít thở sâu, ăn chế độ có nhiều chất xơ để tránh táo bón… song song với điều trị bằng thuốc.
Đi bộ sẽ kích thích lưu thông máu tốt hơn ở chân. Tuy nhiên người bị bệnh chỉ nên đi bộ ít hơn 10 phút. Nên đi từ từ, không cố sức. Đối với những người đi hành hương, leo núi nên tránh đi bộ quá lâu, nên hạn chế di chuyển dài hoặc chọn ngôi chùa thấp, địa hình bằng phẳng.